Hãy thử đặt mình vào vị trí một kỹ sư phát triển các thiết bị hiển thị. Một ngày nọ, bạn được yêu cầu làm một hệ thống màn hình có góc nhìn lên đến… 360 độ. Bạn sẽ làm gì?
Câu trả lời của chúng ta lại không hề nằm ở bất kỳ công nghệ màn hình 2 mặt nào, các nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm Truyền thông tại Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ cho biết. Trên thực tế, một giải pháp đơn giản hơn nhiều việc nghiên cứu một thế hệ màn hình mới đã được các sinh viên tại đây đưa ra. Bằng cách ghép 6 màn hình OLED 1,25 inch lại với nhau thành hình lập phương thông qua một bộ khuôn bằng nhựa, kèm theo đó là 6 mảng mạch phụ trách hiển thị cho mỗi màn hình, vấn đề được đưa ra ở đầu bài viết đã được giải quyết.
Giải pháp tưởng chừng như cực kỳ đơn giản này, hóa ra lại có thể trở thành hướng giải quyết cho khá nhiều vấn đề về chia màn hình hiện tại. Lấy ví dụ bộ phim được công chiếu vào năm 2004 mang tên "Crash", trong đó nội dung phim là những câu truyện được kể song song lẫn nhau và tưởng chừng như chẳng hề liên quan, với những lời thoại cũng như dẫn truyện khác nhau.
Với hệ thống màn hình 6 mặt kể trên, mỗi khi người sử dụng quay tới mặt nào, một câu chuyện khác sẽ diễn ra trước mắt họ. Đồng thời, những phần mềm đặc biệt do chính các nghiên cứu sinh này viết ra sẽ hỗ trợ chuyển đổi lời thoại cũng như nhạc nền cho khớp với nội dung hiển thị trên chiếc màn hình.
Một ứng dụng khác mà chiếc màn hình “đa diện” này chắc chắn sẽ phát huy tác dụng, đó là tác vụ hiển thị hóa các dữ liệu (Visualizing Data). Thay vì sử dụng một màn hình duy nhất để hiển thị dữ liệu, điều có thể gây hiện tượng chồng chéo cũng như khó hiểu cho người sử dụng, một hệ thống đa màn hình sẽ không chỉ giúp dữ liệu được trình bày thoáng hơn, mà còn giúp người xem phân biệt dữ liệu theo từng mục, được hiển thị trên những màn hình khác nhau.
Ở một quy mô lớn hơn, việc “lắp ghép” những màn hình như thế này hoàn toàn có thể được thực hiện trên các bức tường cũng như sàn của một tòa nhà. Nhờ vào việc lắp ghép nhiều màn hình nhỏ mà bạn có thể biến một bức tường hay chính bề mặt sàn nhà trở thành một màn hình khổng lồ, thứ mà không một màn hình đơn nào có đủ sức thực hiện ở thời điểm hiện tại. Chưa dừng lại ở đó, nếu bạn thấy độ phân giải 128 x 128 pixel mỗi màn hình là chưa đủ, thì bạn hoàn toàn có thể ghép nhiều hệ thống màn hình “cube” lại với nhau để tạo ra một “khối rubik” đủ lớn cho mọi tác vụ hiển thị.
Nguồn Genk.vn
Hay! :D
Trả lờiXóa