Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Sản phẩm thuốc lá điện tử có thể thay thế thuốc lá thật...!


Một điếu thuốc lá có chứa đến hơn 7000 chất độc hại, những điếu thuốc âm thầm tấn công cơ thể chúng ta, và hàng năm, có khoảng 40.000 người Việt Nam chết do hút thuốc. Không chỉ làm hại cho bản thân, những người hút thuốc trực tiếp còn khiến những người xung quanh trở thành đối tượng hút thuốc thụ động, gây sự khó chịu cho những người không hút thuốc ở xung quanh. Đã có rất nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá, và cũng rất nhiều người biết, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dứt bỏ được thói quen này.

"Nếu không dứt bỏ được, vậy sao bạn không tìm cách tận hưởng thói quen theo cách ít độc hại hơn và nhất là không ảnh hưởng đến người khác? Hãy chọn những điếu thuốc lá điện tử thay vì những điếu thuốc bốc khói và phát ra mùi khó chịu bình thường". Đó là những gì các nhà sản xuất sản phẩm này vẫn nói, nhưng liệu nó có hoàn toàn vô hại?
Thuốc lá điện tử, còn có những cái tên khác như “thuốc lá không khói”, E-cigarette hay E-cig, là một phương thức hiện đại giúp cho những tín đồ của nicotine hưởng thụ mà không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Những điếu thuốc lá điện tử vẫn được thiết kế với dáng vẻ bên ngoài giống như những điếu thuốc lá thường, nhưng chúng hoàn toàn không chứa những sợi thuốc lá, khi hút không cần có lửa và tuyệt đối không xả những chất độc hại ra xung quanh.
E-cig là những thiết bị chạy bằng điện, nó chuyển hóa nicotine dạng lỏng chứa trong điếu thuốc thành dạng hơi, sương mà người sử dụng có thể hít vào. Những người sử dụng loại thuốc lá điện tử không còn bị ho do khói thuốc, giảm những triệu chứng như mất vị giác, mất ngủ…
E-cig được phát minh bởi dược sỹ người Trung Quốc Hon Lik vào năm 2003. Chỉ mới bắt đầu được đưa vào thị trường từ năm 2004 nhưng thuốc lá điện tử đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Hiện nay, nhiều công ty đang cung cấp mặt hàng này cho khách hàng trên khắp thế giới.
Hon Lik - Người sáng chế ra E-Cig.
Nhiều người cho rằng những điếu E-cig này an toàn hơn những điếu thuốc lá thường, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc hít nicotine thể sương có thể chứa những nguy cơ và tác hại khác đến cơ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về những điếu thuốc điện tử này.
1. E-cig hoạt động như thế nào
Khi hút những điếu thuốc lá thường, bạn châm lửa, đốt điếu thuốc làm cho những sợi thuốc lá trong điếu thuốc cháy và giải phóng ra khói có chứa nicotine ( và tất nhiên là vô số các chất độc hại khác như carbon dioxide, hắc ín,…), người hút sẽ hít vào và đưa nicotine vào phổi. Những điếu E-cig hoạt động với phương thức hoàn toàn khác, không cần có lửa, những điếu thuốc chạy bằng pin này sẽ làm nóng nicotine lỏng trong điếu thuốc, biến chuyển nó thành dạng sương, hơi và người sử dụng sẽ hít nó vào. Tùy thuộc vào mỗi loại thuốc, chúng sẽ bắt đầu hoạt động khi được bật công tắc hoặc chỉ đơn giản hơn là người sử dụng chỉ cần ngậm điếu thuốc.
Những điếu E-cig có cấu tạo gồm 3 phần:
          Pin Lithium có thể sạc để sử dụng nhiều lần.
          Buồng hóa hơi.
          Đầu lọc.
Pin Lithium cung cấp năng lượng cho điếu thuốc và có thể được sạc giống như bạn sạc pin điện thoại vậy. Pin được gắn bộ phận hóa hơi trong điếu thuốc, trong bộ phận này có các thiết bị điện và một máy phun nhỏ. Khi sử dụng, bạn có thể gắn đầu lọc có chứa nicotine lỏng vào, khởi động thiết bị và nó sẽ tạo ra những màn hơn nước nhìn có vẻ giống khói thuốc lá. Ở một số loại E-cig, ở đầu thuốc còn có đèn LED mô phỏng lửa cháy ở đầu điếu thuốc thường. Chất lỏng chứa nicotine thường là propylene glycol, một chất phụ gia được cho phép trong thực phẩm ( những máy tạo sương bạn thấy trong các buổi biểu diễn cũng sử dụng chất lỏng này). Bạn có thể mua những đầu lọc với mức độ nicotine khác nhau và thậm chí là bạn có thể chọn mùi vị khác nhau như bạc hà, chocolate, coffee…
Các công ty cung cấp E-cig chủ yếu là qua các cửa hàng, đại lý nhưng hiện nay đang mở rộng qua thị trường online. Mẫu mã của E-cig rất đa dạng: từ hình dạng của điếu thuốc bình thường cho đến xì gà, tẩu, bút bi…Giá thành của E-cig cũng có từ 40-120 USD, đây là giá của cả bộ sạc và vài đầu lọc đi kèm với điếu thuốc. Mỗi đầu lọc khi mua ngoài có giá khoảng 10 USD và thời lượng sử dụng bằng khoảng 20 điếu thuốc thường. Bạn cũng có thể mua bình đựng chất lỏng và tự thay cho những đầu lọc, khi sử dụng chất lỏng mua ngoài này, số tiền bạn phải tiêu tồn cho những điếu thuốc điện tử sẽ giảm đi rất nhiều.
2. Có thật sự an toàn?
Nhiều người cho rằng những nhà sản xuất chưa hoàn toàn kiểm soát được sản phẩm của chính họ, và cũng chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của việc hít nicotine dạng sương.
Năm 2009, cơ quan FDA của Mỹ đã kiểm tra ngẫu nhiên 2 nhà sản xuất thuốc lá điện tử, trong cả 2 công ty này, thành phần nicotine đều không giống như được ghi trên bao bì. Cuộc kiểm tra cũng đã tìm ra nicotine trong những đầu lọc không nicotine. Thậm chí, những chất gây ung thư phổi trong thuốc lá cũng được tìm thấy ở những đầu lọc E-cig. Rõ ràng là những nhà sản xuất chưa loại bỏ hết được những thành phần gây hại có trong thuốc lá trên E-cig.
Mặc dù những nhà sản xuất vẫn luôn khẳng định rằng sản phẩm của họ có lợi cho sức khỏe hơn là những điếu thuốc lá thường, tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) nhận định rằng chưa có bằng chứng xác thực để chứng minh quan điểm này.
Hơn thế nữa, những nhà sản xuất luôn cho rằng, E-cig là một trong những liệu pháp để cai nghiện thuốc lá ( như những miếng dán nicotine hay kẹo cao su đã từng được sử dụng trước đây), tuy nhiên, điều này rõ ràng là không thực tế. Giờ đây, thay vì hút những điếu thuốc lá thường thì mọi người sẽ chuyển qua hút thuốc lá điện tử. Hay những người không hút thuốc, nhưng nghe theo quảng cáo sản phẩm của E-cig về việc hút thuốc không gây tổn hại cho sức khỏe và không gây nghiện, biết đâu họ sẽ bắt đầu thói quen hút E-cig. Hiện nay những sản phẩm thuốc lá điện tử được bán tràn lan trên thị trường online, những người quản lý thì thường không để ý đến độ tuổi khách hàng trong thị trường này, những đứa trẻ sau khi nhận cái lắc đầu của các ông chủ hàng tạp phẩm, có thể lên mạng và đặt mua E-cig mà không bị ai kiểm soát.
Một trang Web quảng cáo E-cig ở Việt Nam.
Và những điếu E-cig có được phép sử dụng ở những nơi cấm thuốc lá? Hoặc nếu như có những người tráo đổi thành phần nicotine trong đầu lọc bằng những chất gây nghiện khác thì sẽ như thế nào?
Mặc dùng E-cig có thể giúp những người nghiện nicotine thoát khỏi những chất độc hại của thuốc lá thường, nhưng cũng có rất nhiều bất cập mà sản phẩm này chưa thể giải quyết cũng như những vấn đề mới phát sinh quanh sản phẩm này.
3. Một vài thông tin thêm
Như đã nói ở trên, những điếu thuốc lá điện tử quá giống với những điếu thuốc lá thường, vì vậy việc sử dụng E-cig có phải là khuyến khích người sử dụng chuyển đổi từ chất gây nghiện này sang chất gây nghiện khác? Những người phản đối thuốc lá điện tử cho rằng việc cho phép sử dụng E-cig ở những nơi cấm thuốc lá thường sẽ làm mọi người khó bỏ thuốc hơn hay thậm chí kéo theo những người không hút thuốc vào vòng xoáy của nicotine. Việc phải đứng riêng ra một góc để tận hưởng điếu thuốc cũng là thứ khiến cho không ít người cai thuốc, tuy nhiên, vấn đề này sẽ không gây cản trở cho những người sử dụng E-cig vì nó không khói, không mùi nên có thể sử dụng mọi nơi mà những người xung quanh không thể kiếm lý do chính đáng để than phiền được. Và cho đến khi những bằng chứng đầy đủ về sự an toàn của việc hít nicotine được đưa ra, sẽ còn rất nhiều người tiếp tục phản đối việc sử dụng E-cig.
Ở nhiều nước như Australia, Canada… việc quảng cáo và buôn bán thuốc lá đã bị cấm. Ở UK, thuốc lá điện tử được quảng cáo là liệu pháp để cai nghiện thuốc lá và nó có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi, mặt khác tại Brazil, E-cig lại bị đánh đồng với thuốc lá thường, tức là ở những nơi cấm sử dụng thuốc lá, bạn cũng không được phép sử dụng thuốc lá điện tử. Tại Mỹ, cơ quan FDA đã bắt giữ 2 chuyến hàng vận chuyển thuốc lá điện tử nhưng sau đó bị thua trong vụ kiện với các công ty sản xuất E-cig.
Có lẽ những tín đồ của nicotine vẫn sẽ được tận hưởng những điếu E-cig trong một khoảng thời gian dài nữa cho đến khi những nhà nghiên cứu tìm ra được những bằng chứng thuyết phục về tác dụng cũng như tác hại của sản phẩm này.

Nguồn Genk.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét