Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Ultrabook Dell XPS 13: Tốt về tổng thể nhưng pin kém


- Điểm mạnh: Thiết kế gọn gàng, đẹp mắt; bàn phím với đèn nền cho cảm giác thoải mái khi sử dụng; công nghệ Smart Connect giúp máy có thể tải dữ liệu ngay cả ở trạng thái chờ (sleep); ổ SSD tốc độ cao.

- Điểm yếu: Thời lượng pin kém; không có khe cắm thẻ SD; quạt tản nhiệt trong một số trường hợp chạy ồn.

Dell là hãng tham gia thị trường ultrabook khá muộn màng (mãi tới tháng một năm 2012 công ty này mới ra mắt ultrabook trong khi một số hãng khác đã giới thiệu ultrabook từ cách đó 3, 4 tháng), nhưng đó cũng chính là cơ hội cho công ty mang lại sự tươi mới cho sản phẩm so với các đối thủ. Với  XPS 13, Dell đã làm được điều đó. Có giá khởi điểm 1000 USD (21 triệu đồng), chiếc ultrabook của Dell là một trong những mẫu ultrabook nhỏ gọn nhất hiện nay, đồng thời được trang bị những công nghệ mới như Smart Connect cho phép máy tải dữ liệu ngay cả khi đang ở trạng thái chờ (sleep). Thêm vào đó là bộ nhớ SSD tốc độ siêu cao, bàn phím có đèn nền thoải mái cho việc sử dụng. Liệu đây đã là chiếc ultrabook tuyệt vời nhất? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Thiết kế

Với kích thước 31 x 20,5 x 0,6 - 1,8 cm (rộng x dài x dày), XPS 13 trông nhỏ gọn hơn hầu hết các ultrabook cũng như MacBook Air. Ví dụ như ASUS UX31 có kích thước 33,7 x 22,6 cm, mặc dù ultrabook của Asus mỏng hơn 1 chút. MacBook Air 13 inch có kích thước 32,5 x 22,6 (rộng x dài). Chỉ có Samsung Series 9 mới ra mắt có kích thước nhỏ gọn ngang với ultrabook của Dell với 31,2 x 21,8 x 1 cm (rộng x dài x dày).

Với XPS 13, Dell đi theo một xu hướng thiết kế mới với chất liệu khác biệt so với các đối thủ. Nếu như Asus UX31 được trang bị toàn bằng kim loại, Acer Aspire S3 dùng vỏ nhựa, Dell trang bị cho XPS 13 một sự hỗn hợp về chất liệu với phần vỏ và phần cạnh bàn phím được làm bằng nhôm, trong khi mặt dưới máy được làm bằng sợi carbon, giúp máy chắc chắn, mỏng và độc đáo. Đây là điểm đáng khen cho Dell bởi ít nhất hãng này không copy theo Apple MacBook Air. Đồng thời, chất liệu này cũng giúp máy rất dễ dàng đóng gập.

Bên trong, màn hình với kính siêu bền Gorilla Glass sát cạnh đạt sự tinh tế. Lớp phủ cao su mềm trên về mặt bàn phím cho cảm giác thoải mái khi gõ và chạm.

Máy nặng 1,36 kg, tuy chưa phải là ultrabook nhẹ nhất hiện nay (danh hiệu này đang thuộc về ultrabook của Toshiba - chiếc Portege Z835), nhưng nó ngang ngửa 1 số đối thủ như UX31. Về tổng thể, đây là chiếc ultrabook có thiết kế tốt.

Bàn phím và trackpad

Phím bấm trên bàn phím XPS 13 có kích thước lớn, giãn cách tốt, phản hồi rõ ràng. Đèn nền bàn phím sáng, thậm chí sáng hơn XPS 14, giúp bạn đánh máy dễ dàng trong điều kiện ánh sáng kém. 

Giống nhiều mẫu notebook khác, bạn phải biết kết hợp các phím chức năng để điều chỉnh các cài đặt như độ sáng màn hình, bàn phím, âm lượng của XPS 13. 

Về trackpad, có vẻ như Dell là một trong những hãng đầu tiên biết cách biến nút chuột trở thành một phần của trackpad. Trackpad của máy không chỉ rộng rãi (10 x 6 cm), trackpad Cypress của máy cho các thao tác cảm ứng đa điểm như zoom nhúm ngón tay...mượt mà và chính xác.

Cổng kết nối

Mặc dù ultrabook được biết tới với thiết kế mỏng và không có nhiều không gian cho các cổng kết nối, việc thiếu khe cắm thẻ SD của XPS 13 vẫn là một điểm đáng thất vọng. Đây là cách có thể coi rất tiện cho người dùng chuyển các tập tin trong thẻ nhớ vào máy, đặc biệt là khi họ sử dụng laptop cho nhu cầu di động vốn không tiện mang theo dây cáp USB.

Mặt trái máy có jack nguồn, 1 cổng USB 2.0, jack cắm headphone và mic. Bên phải máy có cổng Display mini, 1 cổng USB 3.0, 1 nút bấm và 4 đèn LED hiển thị thời lượng pin. 

Webcam

Ảnh từ webcam 1,3 MP của XPS 13 cho màu sắc tươi tắn, làm nổi bật tông màu da tốt, nhưng thiếu chi tiết. Ảnh khá mờ và khiến tóc người đứng trước webcam trở thành một đốm màu nâu vô định hình. Người dùng cũng có thể sử dụng tiện ích Webcam Central của Dell để thêm vào 1 số hiệu ứng vui nhộn, cũng như điều chỉnh độ sáng và độ tương phản cho hình ảnh.

Tiện ích FastAccess Facial Recognition giúp nhận dạng khuôn mặt chủ nhân để làm mật khẩu đăng nhập vào máy, một tính năng khá độc đáo nhưng không nhanh hơn là nhập password thông thường, bạn cũng mất khoảng 5 giây để đăng nhập.

Độ nóng

Sau khi stream một video dài 15 phút với chế độ full màn hình, nhiệt độ đo được ở trackpad là 26 độ C, vùng giữa phím G và H là gần 34 độ C, vùng giữa mặt dưới chỉ nóng 32 độ. Đây là mức nhiệt cho thấy máy chạy khá mát, tuy nhiên, quạt tản nhiệt có dấu hiệu phát ra tiếng ồn lớn.

Màn hình

Máy có màn hình 13,3 inch độ phân giải 1366 x 768 pixel và được tráng lớp gương Gorilla Glass sát cạnh cho độ bền tốt. Khi xem thử Trailer bộ phim "The Avengers", hình ảnh ngọn lửa trong các vụ nổ rất sáng và rực lửa. Bạn có thể nhìn thấy rõ các chi tiết như các cửa sổ ở những ngôi nhà chọc trời hay bộ trang phục của nhân vật Iron Man trong phim. Mặc dù dùng màn hình gương, góc nhìn của nó khá tốt. Bạn có thể quan sát chi tiết hình ảnh trên màn hình ở bất cứ góc ngồi nào. Tuy nhiên, màn hình các đối thủ như Zenbook UX31 cho độ phân giải cao hơn (1600 x 900 pixel), hay MacBook Air  (1440 x 900 pixel).

Dell cho biết màn hình máy có độ sáng 300 nit. Thử nghiệm cho thấy màn hình có độ sáng 232 lux, đánh bại Folio 13 (139 lux) và Lenovo U300s (156 lux) nhưng thua Toshiba Z835 (260) và UX31 (391).

Âm thanh

Đối với một chiếc máy mỏng như XPS 13 thì loa máy cho âm lượng khá. Thậm chí, nếu tinh chỉnh trong kênh điều khiển Waves Maxx Audio, máy còn cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Khi thực hiện tinh chỉnh này, âm bass cũng như âm cao trong bài hát được đẩy lên. Khi so sánh, có thể thấy âm thanh của ASUS UX31 tốt hơn, tuy nhiên, XPS 13 cũng là một trong những ultrabook cho chất lượng âm thanh tốt nhất.

Hiệu năng

Chip Intel Core i5-2467M tốc độ 1,6 GHz , RAM 4 GB và ổ SSD 128 GB của máy cho hiệu năng tốt. Điều này được chứng tỏ qua các bài test. Thử nghiệm PCMark07, máy đạt 3.521 điểm, cao hơn 400 điểm so với HP Folio 13 sử dụng cùng vi xử lý. UX31 cho điểm cao hơn 1 chút với 3.606 điểm. Việc xem video HD, nghe nhạc trên XPS 13 diễn ra mượt mà không gặp vấn đề gì.

XPS 13 khởi động Windows 7 Home Premium mất 27 giây, ngang ngửa với HP Folio 13 và Toshiba Z835. Thời gian khởi động từ chế độ chờ của máy cũng chỉ 2 giây như các ultrabook khác.

Thời gian khởi động của máy khá nhanh.
Ổ SSD của máy là một trong những bộ nhớ cho tốc độ cao nhất từ trước đến nay. Nó thực hiện việc copy thư mục nặng 4,97 GB chỉ mất 37 giây, tức tốc độ trung bình 137,5 MB/giây. Tốc độ này đánh bại cả MacBook Air (127 MB/giây), nhanh hơn UX31 của Asus tới 40 MB/giây.

Đồ họa

Đồ họa tích hợp Intel HD 3000 của XPS 13 đạt 4.091 khi thử nghiệm với 3DMark06, đánh bại các mẫu ultrabook khác dùng đồ họa cùng nhân HD 3000 như UX31 (3.761) Z835 (3.620). Tuy nhiên, bạn cũng đừng trông mong gì hơn ở đồ họa máy ngoại trừ xem phim HD hay chơi vài game tầm trung.

Thử nghiệm với "World of Warcraft", XPS 13 cho tốc độ trung bình 32 fps với cài đặt mặc định, ngang ngửa Z835 và U300s. Khi tăng cài đặt lên thiết lập tối đa, XPS 13 cho tốc độ 14 fps.

Thời lượng pin

Máy "sống sót" được 5 tiếng 46 phút với bài thử nghiệm LAPTOP Battery Test - lướt web WiFi với độ sáng màn hình ở mức 40%. Điều này cho thấy đây là một trong những ultrabook cho thời lượng pin kém nhất hiện nay. Cần nhắc lại là ASUS UX31 cũng là một model cho thời lượng pin kém, chỉ hơn XPS 13 15 phút. Thời lượng trung bình của các laptop siêu di động là cao hơn nhiều (6 tiếng 46 phút). HP Folio 13 cho thời lượng pin xuất sắc: 7 tiếng 50 phút.

Công nghệ Smart Connect

Một tính năng mới mà Intel giới thiệu trong XPS 13 là Smart Connect. Công nghệ này cho phép máy vẫn kết nối mạng khi ở chế độ chờ (sleep). Điều này có nghĩa khi bạn đã đóng nắp máy lại, bạn vẫn có thể nhận được các email mới hay nhận được các cập nhật từ TweetDeck. Điểm yếu là nó ảnh hưởng tới thời lượng pin của máy, nhưng đây cũng có thể coi là một công nghệ hay. Nó giúp bạn cập nhật các thông tin mới khi bạn không dùng máy, và khi quay lại sử dụng, bạn không cần phải chờ đợi để nhận được các thông tin mới mà mình đang cần như email công việc hay các cập nhật khác...

Phần mềm

Nói chung máy không có quá nhiều phần mềm tiện ích được cài sẵn. Một số tiện ích như bản dùng thử McAfee Security CenterMicrosoft Office 2010 StarterSkype có thể tìm thấy ở bất cứ model nào. Máy còn được cài sẵn tiện ích Dell Support Center cho phép thiết lập mật khẩu, backup hệ thống, kiểm tra xem pin hoạt động tốt hay không....

Cấu hình

Mẫu có giá 1000 USD được trang bị chip Core i5-2467M, RAM 4 GB, ổ SSD 128GB và là mẫu có cấu hình thấp nhất. Dell bán 2 phiên bản khác: bản 1300 USD được trang bị chip Core i5-2467M, ổ SSD 256 GB; bản 1500 USD được trang bị chip Core i7-2637M và  ổ SSD 256GB.

Dell XPS 13 và đối thủ

Hai đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của XPS 13 là Toshiba Portege Z835 và ASUS UX31. Với mức giá thấp hơn 100 USD, Z835 cho nhiều cổng kết nối hơn, thời lượng pin cao hơn 1 tiếng, trọng lượng nhẹ hơn. ASUS UX31 đắt hơn 100 USD cho màn hình sắc nét hơn và âm thanh tốt hơn, kích thước màn hình cũng lớn hơn so với  ultrabook của Dell nhưng máy thiếu đèn nền cho bàn phím.

Kết luận

Từ thiết kế phong cách nhỏ gọn với sợi carbon cho đến bàn phím có đèn nền và ổ SSD tốc độ cao, có rất nhiều điểm đáng ưa thích ở XPS 13. Công nghệ Smart Connect cũng là một điểm cộng của máy. Tuy nhiên, việc thiếu khe cắm thẻ SD và thời lượng pin kém khiến giá trị chung của sản phẩm bị kéo xuống. Tổng thể, với mức giá thấp hơn MacBook Air 300 USD, ultrabook của Dell là một sản phẩm tốt và là một trong những ultrabook rất hứa hẹn.



Nguồn Genk.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét